Rối loạn giấc ngủ và những điều cần biết

Hầu hết chúng ta đã từng bị khó ngủ. Tình trạng này có thể do căng thẳng, bệnh lý hoặc những gián đoạn tạm thời khác gây ra. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ vào ban đêm, thức dậy với cảm giác mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào ban ngày, bạn có thể đang gặp phải rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thay đổi chất lượng và thời gian giấc ngủ bất thường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Rất nhiều người từng gặp phải nhiều lần tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ ít, ngủ thức giấc,… Song nếu nó không kéo dài, xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài như ánh sáng mạnh, tiếng ồn, chất kích thích,… thì không được gọi là rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ thường kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh với những triệu chứng như:

  • Khó đi vào giấc ngủ.

  • Thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm.

  • Thường xuyên mệt mỏi vào ban ngày và muốn có những giấc ngủ ngắn giữa ngày.

  • Thay đổi bất thường thói quen hoặc lịch trình ngủ – thức.

  • Thiếu tập trung, hay cáu kỉnh và lo lắng bất thường.

  • Giảm năng suất làm việc.

  • Tăng cân.

  • Trầm cảm.

  • Có hành vi bất thường khi ngủ.

Những nguyên nhân nào gây ra bệnh rối loạn giấc ngủ?

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, bao gồm:

Dị ứng và các vấn đề về hô hấp

Dị ứng, cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể khiến bạn khó thở vào ban đêm. Việc không thể hít thở bình thường bằng mũi cũng là nguyên nhân gây khó ngủ.

Tiểu đêm

Tiểu đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn và khiến bạn thức giấc vào ban đêm. Sự mất cân bằng nội tiết tố và các bệnh về đường tiết niệu có thể góp phần làm tình trạng này nghiêm trọng hơn.

Hãy đi khám ngay lập tức nếu bạn đi tiểu đêm thường xuyên kèm theo chảy máu hoặc đau.

Đau mãn tính

Các cơn đau mãn tính có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Nó thậm chí còn khiến bạn tỉnh giấc giữa chừng vì quá đau và khó chịu. Một số nguyên nhân phổ biến nhất của cơn đau mãn tính bao gồm:

  • Viêm khớp
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
  • Đau cơ xơ hóa
  • Bệnh viêm ruột (IBD)
  • Nhức đầu dai dẳng
  • Đau lưng dưới mãn tính

Trong một số trường hợp, cơn đau mãn tính thậm chí có thể trầm trọng hơn do rối loạn giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy các vấn đề về giấc ngủ có thể làm chứng đau cơ xơ hóa phát triển phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ

Hiện nay, để phát hiện và chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, các bệnh viện sử dụng máy đa kí giấc ngủ có chức năng ghi lại toàn bộ những dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ của bệnh nhân qua các kênh điện não, điện tim, điện cơ, thông khí hô hấp, chỉ số oxy.

Từ đó giúp các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ để điều trị kịp thời và hiệu quả các bệnh như: mất ngủ, ngáy và ngưng thở lúc ngủ; hội chứng chân không yên, cử động chi có chu kỳ hay ngủ rũ, mộng du và nghiến răng…

Bên cạnh đó, cần áp dụng phương pháp vệ sinh tâm lý giấc ngủ như tạo thói quen thức ngủ đúng giờ, tránh dùng thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh trung ương, tránh các căng thẳng tâm lý, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, hài hoà tránh quá mức, trước khi đi ngủ dùng các phương pháp gây êm dịu cổ truyền như: bấm huyệt, xoa bóp, tắm nước ấm…

Ngoài ra có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý (cần có sự hỗ trợ của các nhà tâm lý, thầy thuốc) như thư giãn, luyện tập, âm nhạc…

Chỉ sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ khi các phương pháp trên không có hiệu quả. Khi sử dụng phải có sự chỉ định của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ vì có thể có tác dụng phụ hoặc lệ thuộc (nghiện) đặc biệt là các thuốc hướng thần.

Những thông tin cung cấp trong bài viết của Namhong.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Viết một bình luận