Bệnh Parkinson là gì nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh Parkinson là một chứng bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Khi bị bệnh, bạn có thể mất khả năng giữ thăng bằng và kiểm soát cơ bắp. Vậy Parkinson là bệnh gì, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc nhé!

Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson là một rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân.

Bệnh Parkinson thuộc nhóm các bệnh rối loạn vận động. Nó có đặc điểm cứng cơ, run, tư thế và dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp và trong trường hợp bệnh nặng người bệnh có thể mất đi một số chức năng vận động vật lý.

Do bệnh không có thuốc điều trị dứt điểm nên phác đồ điều trị và các biện pháp vật lý trị liệu, nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh giúp bạn sống chung với căn bệnh này trong nhiều năm.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây bệnh Parkinson. Nhưng họ phát hiện ra rằng, hàm lượng Dopamine trong cơ thể của người bệnh bị giảm đi đáng kể. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng dẫn truyền tín hiệu giữa các sợi thần kinh trong não và giữ vai trò trong việc cử động và phối hợp động tác của cơ thể. Chúng tập trung nhiều ở  vùng hạch đáy của não.

Khi các tế bào não bị thoái hóa hoặc mất khả năng sản sinh Dopamine sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt chất này. Vì vậy, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động.

Ngoài ra, bệnh có thể do một số yếu tố khác gây ra như:

  • Tuổi tác: lượng Dopamine thường có xu hướng giảm ở người già.
  • Môi trường: những người thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
  • Chấn thương sọ não: người có tiền sử chấn thương sọ não cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Di truyền: nếu gia đình có người bị bệnh này ngẫu nhiên, thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Triệu chứng của bệnh Parkinson

Close up hands of senior elderly woman patient suffering from pakinson’s desease symptom. Mental health and elderly care concept

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Parkinson có thể không hoàn toàn giống ở tất cả người bệnh. Tuy nhiên, khi mắc phải căn bệnh này, hầu hết mọi người đều nhận thấy những biểu hiện cơ bản sau:

Run

Hiện tượng run rẩy thường bắt đầu ở một chi (bàn tay hoặc các ngón tay) và có thể xảy ra ngay cả khi bàn tay ở trạng thái nghỉ ngơi. Triệu chứng này tồn tại nhiều năm ở một bên cơ thể và sẽ giảm hoặc biến mất khi vận động.

Hạn chế phạm vi và làm chậm chuyển động 

Khả năng vận động của người bệnh sẽ bị suy giảm theo thời gian, khiến những công việc vốn dĩ đơn giản cũng trở nên khó khăn và phải tốn nhiều thì giờ mới có thực hiện xong. Người bị Parkinson có thể cảm thấy các bước đi của mình ngắn hơn, khó rời khỏi ghế và có xu hướng kéo lê chân khi cố gắng bước đi.

Cơ bắp bị căng cứng

Cứng cơ cũng là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Parkinson, có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Khi các cơ cứng đơ sẽ gây đau và gây khó khăn khi thực hiện chức năng vận động.

Thay đổi tư thế và khó giữ thăng bằng

Hình dáng của người bị Parkinson dần dần thay đổi sang tư thế khom lưng và khó giữ trạng thái thăng bằng, dẫn đến nguy cơ vấp ngã cao và hiện tượng đi giật lùi.

Mất dần các chuyển động vô thức của cơ thể

Một số chuyển động tự động trong vô thức của cơ thể gồm chớp mắt, nuốt, vung tay khi đi bộ… bị giảm đi rõ rệt.

Thay đổi lời nói

Giọng nói có thể thay đổi khi bạn bị bệnh Parkinson , cụ thể là câu chữ phát ra bị bóp nghẹt, âm lượng thấp. Thông thường, người bệnh sẽ bị nói lắp bắp hoặc ngập ngừng khi nói chuyện. Quá trình diễn đạt một câu chuyện, một vấn đề vô cùng đơn điệu bởi người bệnh không còn khả năng biến tấu nhịp điệu nói như thông thường.

Chữ viết bị biến đổi 

Người bị Parkinson không chỉ khó viết chữ và nét chữ viết tay của họ cũng biến đổi, thường là cỡ chữ nhỏ hơn và chen chúc vào nhau.

Ngoài những biểu hiện phổ biến kể trên, bệnh Parkinson còn khiến người bệnh giảm khứu giác, táo bón và khó biểu cảm gương mặt. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như:

  • Bong vảy trắng hoặc vàng trên các vùng da tiết nhiều chất nhờn (viêm da tiết bã).

  • Rối loạn giấc ngủ bao gồm: Có những giấc mơ sống động, nói chuyện và chuyển động trong lúc ngủ.

  • Phiền muộn, lo lắng và thậm chí là ảo giác.

  • Giảm khả năng chú ý và ghi nhớ.

  • Gặp rắc rối trong việc quan sát và định vị không gian.

  • Hầu hết người bệnh Parkinson đều cảm thấy mất năng lượng và mệt mỏi, đặc biệt là vào cuối ngày..

  • Một vài trường hợp bị đau ở những vùng cụ thể trên cơ thể hoặc khắp cơ thể.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh Parkinson không dễ nhận biết. Nhiều người khi phát hiện mình bị Parkinson thì bệnh đã chuyển nặng, gây ra nhiều khó khăn trong việc vận động.

Bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi nhận ra bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh Parkinson. Việc tìm đến sự hỗ trợ y tế sớm vừa giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời vừa loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson.

Cách điều trị bệnh

Mặc dù bệnh Parkinson không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của bạn. Bạn có thể trở thành người tàn phế nếu bệnh tiến triển nặng. Do đó, người bệnh nên phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Dưới đây là một số cách điều trị mà bạn có thể áp dụng để ngăn chặn bệnh phát triển:

Điều trị bằng thuốc:

Để điều trị bệnh Parkinson, bạn có thể sử dụng một số thuốc do bác sĩ chỉ định như:

  • Thuốc đồng vận dopamine: có tác dụng kích thích trực tiếp đến các thụ thể dopamin như: sifrol, trivastal, bromocriptine,…
  • Thuốc thay thế dopamine: là thuốc bổ sung dopamine kịp thời như Madopar, Syndopa, Sinemer,… Trong quá trình sử dụng thuốc không nên kết hợp với vitamin B6.
  • Thuốc ức chế dị hóa dopamin: những loại thuốc thuộc nhóm này thường ít có ở Việt Nam.
  • Thuốc kháng tiết cholin (Artan, Trihex).

Khi mới sử dụng các loại thuốc này, người bệnh chỉ nên dùng với liều thấp, sau đó mới tăng dần và duy trì liều lượng. Nếu muốn đổi sang loại thuốc khác, người bệnh nên thay đổi từ từ, không ngừng thuốc đột ngột. Trong quá trình sử dụng, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ do thuốc gây ra như: khô miệng, tim đập nhanh, dị ứng, đau bụng, buồn nôn,… nặng hơn có thể gây lú lẫn, ảo giác,…

Điều trị phẫu thuật

Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật như: phẫu thuật định vị, kích thích điện vùng liềm đen – thể vận và ghép mô thần kinh.

Phục hồi chức năng

Các biện pháp phục hồi chức năng mà người bệnh có thể áp dụng bao gồm:

  • Vật lý trị liệu giúp người bệnh tăng khả năng vận động và giảm rối loạn thăng bằng.
  • Phương pháp trị liệu ngôn ngữ: giúp người bệnh giảm các rối loạn về nói và nuốt.
  • Các bài tập luyện như: yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh, rất có ích với người bệnh trong việc cải thiện khả năng vận động.

Viết một bình luận