Vô Thanh Thắng Hữu Thanh: Sức mạnh của sự tĩnh lặng… & câu chuyện của cao tăng Thích Đại Hưng

Ngẫm...

by Dũng Cá Xinh
1,4K lượt xem
Câu chuyện về chữ Nhẫn của hòa thượng Thích Đại Hưng trên núi Cửu Hoa
(1 bình chọn)

Lợi thế của Blog là muốn viết gì thì viết, không bị giới hạn bởi chủ đề. Học thuật nhiều quá, thôi thì nay em thực hành “uốn nắn văn phong” bằng cách viết một câu chuyện nhỏ, cũng là để tỏ lòng biết ơn với thiên khí (thời tiết) Hà Nội vì đã cho chúng sinh một cơn mưa vàng sau những ngày nóng như hỏa ngục ^^!

Đề bài hôm nay là viết lại câu chuyện nổi tiếng của hòa thượng Đại Hưng, cao tăng với bài học tuyệt vời về chữ “Nhẫn”, em văn dốt chữ nát, viết không hay thì cả nhà bỏ qua nhé, nông dân Fulltime thì dù cố mấy em cũng khó toát ra được vẻ sang trọng ^^.

Hòa thượng Thích Đại Hưng là ai? Cao Tăng Đại Hưng là ai?

Cao tăng hòa thượng Thích Đại Hưng là ai? Hòa thượng Thích Đại Hưng (1894-1985) tự Liễu Duy, là một trong mười đại nhục thân bồ Tát nổi tiếng nhất Trung Quốc. Năm 1931 xuất gia tại Nam Kinh, năm 1958 đến chùa Song KhêCửu Hoa Sơn. Vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 17 tháng 2 năm 1985, Hòa thượng niệm vài tiếng “A Di Đà Phật”, nằm nghiêng về phía tay phải theo thế kiết tường mỉm cười mà quy Tây, thọ 91 tuổi. Sau khi Hòa thượng viên tịch được 7 ngày, chư Tăng vẫn để di thể nguyên trong thế ngồi kiết già đặt vào vạc, sau lại an trí trong một ngôi tháp hình tròn mới xây. Mùa Đông năm 1989, lúc khai tháp mở vạc thì thấy nhục thân của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, sự kiện được trình lên Hiệp hội Phật giáo Cửu Hoa Sơn, tất cả đều đồng ý khảm lớp vàng mỏng bên ngoài để phụng thờ. Hòa thượng Đại Hưng đã tu trì hơn 60 năm ở Cửu Hoa Sơn, đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng không quên niệm Phật, trước sau như một. Thường ngày xuống núi chu du tự tại, mỗi lần đến thôn làng sẵn tiện trị bệnh cho dân chúng, Hòa thường chỉ cần rờ tay vào là bệnh liền khỏi, trị xong không màng đến tiền, do vậy mà Hòa thượng rất được dân chúng tôn kính. Nhục thân của Hòa thượng là một minh chứng, giới Phật giáo cho rằng chân chánh thực hành Tam học Giới Định Tuệ, công đức thật không thể nghĩ bàn, cả thân lẫn tâm của người tu hành tự phát sanh đầy đủ diệu dụng thù thắng. (#dungcaxinh)

Gần đây có đúng là cả nhà thường nghe đến câu “Sông sâu tĩnh lặng, Lúa chín cúi đầu” để chỉ về lòng khiêm tốn, người càng giỏi càng sâu sắc khó lường. Để đạt được cảnh giới này, cá nhân em nghĩ khiêm tốn là chưa đủ, cần phải có trí tuệ, đức độ và đặc biệt là phải “nhẫn” từ tận đáy lòng.

Chữ Nhẫn trong tiếng Trung

Bản thân chữ Nhẫn () trong tiếng Trung được cấu thành từ 2 bộ: Bộ Đao ở trên và bộ Tâm ở dưới. Ý tứ em hiểu là: Chịu được Đao kiếm đâm vào Tim thì mới là đỉnh cao của “Nhẫn nhịn” (vẫn phải sống nhé, chết thì không tính ^^). Sau này giới trẻ còn phân tích theo một chiều hướng tiêu cực hơn: Dám cầm Dao đâm vào Tim người khác mới là tinh hoa của chữ Nhẫn (Nhẫn này là Nhẫn Tâm). Dù hiểu cách nào, chữ Nhẫn cũng rất đẹp về mặt UX UI và dễ hiểu về mặt tượng hình.

Câu chuyện kinh điển của hòa thượng Đại Hưng

Có rất nhiều câu chuyện hay về chữ Nhẫn, một trong số đó là: Hòa Thượng Đại Hưng và nỗi oan khuất thấu tận trời xanh. Câu chuyện ngắn nhưng chứa đựng nhiều triết lý vô cùng sâu sắc. Các bậc thánh hiền có một điểm chung là chậm rãi và có phần “tĩnh lặng”, coi nhẹ vạn sự trên nhân gian, cố gắng lánh xa cõi hồng trần ô trọc để giữ tâm thái luôn tĩnh lặng như bề mặt sông sâu kia vậy …

Vì sao các bậc thánh hiền xưa nay đều lặng lẽ? Ấy là bởi họ đã coi nhẹ mọi sự trên thế gian, lánh xa cõi hồng trần ô trọc để tâm thái tĩnh lặng tựa mặt hồ…

Quay về một thời điểm trong quá khứ và cùng lên núi Cửu Hoa để tìm hiểu câu chuyện này nhé!

Cửu Hoa là trong trong “Tứ Đại Phật Sơn” của Trung Quốc.

Tứ Đại Phật Sơn bao gồm:

Hòa thượng Đại Hưng là một trong những bậc cao tăng đã tu hành trên Cửu Hoa Sơn. Di thể của ngài sau khi viên tịch không hề bị phân hủy mà giữ được sự nguyên vẹn, vẫn như một hòa thượng đang nằm ngủ, trở thành một trong Thập Đại Nhục Thân Bồ Tát nổi tiếng nhất của Trung Hoa. Khi còn sống, phẩm cách cao quý của hòa thượng Đại Hưng đã được người đời truyền tụng qua câu chuyện về “đỉnh cao của sự nhẫn nhịn”.

Chuyện kể rằng, khi hòa thượng Thích Đại Hưng còn đang tu hành trên núi Cửu Hoa thì dưới chân có một gia đình vô cùng khá giả. Gia đình đó có một người con gái xinh đẹp có tên là Tiểu Hội và nàng đã có thề non hẹn biển với một công tử con nhà quyền quý khác.

Ba năm trước ngày hôn lễ, chẳng hiểu thế nào mà Tiểu Hội có mang rồi hạ sinh một bé trai khôi ngô tuấn tú. Vào thời kỳ xã hội cũ, việc chưa chồng mà đã có con là điều bôi tro trát trấu vào cả dòng họ. Cha mẹ Tiểu Hội vô cùng tủi nhục, vừa giận dữ vừa lo sợ, họ ép Tiểu Hội phải nói rõ sự tình. Do không chịu được áp lực “hạng nặng”, Tiểu Hội đã khai man rằng cha đứa bé chính là vị cao tăng được nhiều người kính trọng: Hòa thượng Đại Hưng trên núi Cửu Hoa.

Cha mẹ Tiểu Hội vô cùng căm giận, đem gia nhân lên gây náo động ngôi chùa. Hòa thượng Đại Hưng bị chửi bới, đánh dập, nguyền rủa và ép phải nuôi dưỡng bé trai. Mặc dù vô cùng đau đớn về thể xác và tinh thần, hòa thượng Đại Hưng vẫn lặng lẽ ôm đứa bé vào lòng, chắp tay nói khẽ: “A Di Đà Phật!”

Kể sau sự kiện đó, danh tiếng của hòa thượng Thích Đại Hưng đã sụp đổ. Thiên hạ khinh bỉ và nhạo báng bất cứ khi nào họ gặp vị hòa thượng. Các tăng nhân trong chùa cũng chẳng còn tôn kính vị cao tăng, coi thường ra mặt. Hòa thượng Thích Đại Hưng chẳng than vãn một lời, ngày ngày vẫn xuống núi xin sữa để nuôi “đứa con nghiệp chướng” này!

Hòa Thượng Thích Đại Hưng chăm bé trai rất tốt, nó cứ thế lớn nhanh như thổi, vô cùng khỏe mạnh và lanh lợi. 3 năm trôi qua trong nháy mắt… Một ngày kia, gia đình của Tiểu Hội lại lên núi đòi gặp vị cao tăng. Lần này, họ chẳng những không hề buông lời trách mắng, chẳng nhục mạ, chẳng tác động vật lý mà hoàn toàn đối lập, khi nhìn thấy vị cao tăng liền quỳ gối dập đầu xin ngài tha thứ, cho phép họ đón đứa trẻ xuống núi.

Sự thật đã được phơi bày, cha của đứa trẻ chính là phu quân hiện tại của Tiểu Hội, cũng chính là chàng công tử đã có đính ước từ xưa với nàng. Vì muốn giữ thanh danh cho vị hôn phu mà Tiểu Hội vạn bất đắc dĩ trong cơn cùng quẫn đã vu oan cho hòa thượng Thích Đại Hưng.

Vẫn phong thái thanh thản và tự tại, vị cao tăng dắt đứa trẻ đến trước mặt cha mẹ đẻ, chắp tay một cách cung kính, lại khẽ nói: “A Di Đà Phật” rồi lập tức lùi bước, quay lại thiền phòng.

Chọn lựa im lặng với nỗi oan khiên “cắt thịt thấu xương” suốt 3 năm ròng rã, hòa thượng Thích Đại Hưng không thanh minh, không giải thích, cũng chẳng ca thán dù chỉ 1 lời. Khi chịu tủi nhục, đặc biệt là lúc bị vu oan, đối xử bất công, ai mà chẳng có quyền được kêu cầu giải oan, được đòi công lý? Đó vốn chẳng phải là quyền lợi được pháp luật bảo vệ, cũng là cái công bằng cơ bản của xã hội? Hòa thượng Thích Đại Hưng lại chọn cách “vô thanh” (không lời). Và cuối cùng, Vô Thanh vẫn thắng Hữu Thanh, nhẹ nhàng và đầy sâu sắc.

Phải chăng, cũng như các bậc thánh hiền xưa nay, cao tăng Thích Đại Hưng cho rằng: Hết thảy mọi Danh Lợi Tình Thù, hết thảy mọi Tham Sân Si ở thế gian này, tất cả chỉ nhẹ nhàng như mây khói mà thôi….

Có tý liên quan

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận